Món ăn ngày Tết của người Việt vô cùng đa dạng, tùy thuộc vào đặc trưng của từng vùng miền. Có sự khác biệt gì trong món ăn ngày Tết hiện đại của 3 miền Bắc, Trung, Nam, cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viết
Món ăn ngày Tết miền Bắc
Theo quan niệm dân gian, mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc gồm có 6 đĩa 6 bát tượng trưng cho phát tài, phát lộc. Một số món ăn thường có trong danh sách thực đơn ngày Tết của người miền Bắc có thể kể đến như: bánh chưng, xôi gấc đỏ, dưa hành, giò, nem rán, Thịt đông, Dưa món, Miến măng gà, Măng khô hầm chân giò, Chè kho, Xôi gấc, các món nộm miền Bắc, Miến xào thập cẩm, Canh bóng thả,…
Bánh chưng, bánh dày

Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời. Đây là 2 món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Bắc, với ý nghĩa cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa. Không chỉ thưởng thức, hoạt động gói bánh chưng, bánh dày trong mỗi gia đình miền Bắc cũng là một nét văn hóa đẹp.
Giò thủ (Giò xào)
Giò thủ là món ăn được làm từ thịt đầu lợn kết hợp cùng với nấm mèo và các gia vị truyền thống. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị giòn giòn, thơm béo hấp dẫn mà không hề ngấy. Bên cạnh giò thủ, người miền Bắc có thể thay thế hoặc kết hợp với một số loại giò khác như: giò lụa, giò bì, giò me, giò bò, giò hoa ngũ sắc, giò quế…

Nem rán
Chắc chắn, danh sách những món ăn ngày Tết miền Bắc không thể nào thiếu nem rán. Nem rán có màu vàng óng bên ngoài, bên trong là thịt, mộc nhĩ, giá đỗ… Bạn sẽ cảm nhận được vị giòn tan, đậm đà đầy hấp dẫn, giúp hương vị ngày Tết thêm trọn vẹn, hoàn hảo hơn.
Miến măng gà
Miến măng gà là món ăn khá phổ biến trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc. Thịt gà được nấu cùng măng khô sẽ cho ra hương vị vô cùng hấp dẫn. Với hương vị đặc trưng, măng giúp món ăn hài hòa và chống ngán hiệu quả
Măng khô hầm chân giò

Trong mâm cỗ của người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu món măng khô hầm chân giò hoặc hầm xương lợn. Món ăn có hương vị gần gũi, với vị măng khô dai giòn hòa quyện với chút beo béo của thịt chân giò. Cách làm món ăn này lại vô cùng đơn giản nên luôn được các bà nội trợ thực hiện cho mâm cỗ Tết.
Dưa hành
Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc không thể nào thiếu món dưa hành. Đây là món ăn dân dã và cách thực hiện đơn giản. Để chế biến dưa hành, người Việt sử dụng nguyên liệu hành củ và thực hiện theo phương pháp lên men vi sinh. Vì vậy, món ăn này có vị chua, cay nhẹ rất thích hợp ăn cùng bánh chưng và thịt đông để chống ngán trong ngày Tết.
Gà luộc

Gà luộc vốn là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Việt. Với người miền Bắc, gà luộc cánh tiên không thể thiếu trên mâm cỗ dâng lên tổ tiên trong những ngày Tết đến xuân về. Tuy nhiên, để món gà luộc ngon, ngọt thịt, vàng óng đẹp mắt, bạn cần có bí quyết riêng.
Thịt đông
Thịt đông là món ăn ngon, thích hợp sử dụng vào mùa đông se se lạnh. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị mềm mềm, tan chảy, giòn giòn lạ miệng của thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương,… Nên ăn kèm thịt đông với dưa chua, hành muối cũng rất thích hợp. Bảo quản món ăn này trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 5 – 6 ngày.

Canh bóng bì
Nếu là người miền Bắc, chắc chắn bạn từng thưởng thức canh bóng bì nhiều lần. Tuy nhiên, canh bóng bì có nguy cơ trở thành món ăn ngày Tết sắp thất truyền bởi món ăn này dần xuất hiện ít hơn trong mâm cúng ngày tết miền Bắc để thay thế bằng những món ăn ngày Tết hiện đại khác. Nguyên liệu chính để tạo nên món ăn này là nước dùng gà, bì lợn đã nổ phồng, giò sống, đậu Hà Lan, su hào, cà rốt, tôm khô, nấm hương…
Xôi gấc
Xôi gấc không chỉ xuất hiện trong những ngày lễ trọng đại của người miền Bắc như cưới, hỏi, thôi nôi, giỗ chạp…mà cả dịp Tết, món ăn này cũng có mặt với ước mong về sự may mắn cho năm mới. Xôi gấc có vị dẻo thơm, ngọt dịu và đặc biệt là màu đỏ bắt mắt.
Món ăn ngày Tết miền Trung
Cũng tương tự như các món ăn ngày Tết miền Bắc, món ăn ngày Tết miền Trung cũng cực kỳ đa dạng, một số món giống với thực đơn các món ăn Tết của miền Bắc, có thể kể đến các món phổ biến trong mâm cỗ Tết cổ truyền miền Trung như: bánh tét, Dưa món, Bò kho mật mía, Thịt ngâm mắm, Tôm chua, Xôi đậu xanh, Giò bò, Bánh in, Nem chua, Bánh thuẫn (bánh thửng), Bánh lăn, Gà luộc lá chanh, Tré, Thịt heo kho củ cải, Mứt gừng
Bánh tét

Nếu miền Bắc có bánh chưng được gói bằng lá dong thì miền Trung lại có món bánh tét gói bằng lá chuối. Nguyên liệu làm bánh Tét cũng giống với bánh chưng nhưng bánh tét được gói lại thành từng đòn hình trụ. Ý nghĩa món ăn ngày Tết bánh tét là sự hội tụ của đất và trời, là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người miền Trung.
Bò kho mật mía

Đây là món ăn đặc sản của Nghệ An. Thịt bò sau khi ra thành phẩm có màu vàng nâu, ăn có vị ngọt, mặn cay thêm chút đăng đắng hòa quyện. Thịt bò rất thơm bởi được tẩm ướp cầu kì từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như mật, gừng, quế, hồi…Người miền Trung nấu món này vì bảo quản được lâu, mang ra đãi khách ngày năm mới lại rất đưa rượu. Ăn kèm xôi, bánh chưng hoặc cơm nóng thì đúng là hết sẩy. Cách làm bò kho mật mía rất cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong khâu chọn nguyên liệu cũng như tẩm ướp
Nem chua

Nếu có dịp đến chơi Tết miền Trung thì sẽ bạn sẽ được người dân nơi đây đãi rượu với mồi nhắm là nem chua. Món ăn đặc sản này được làm từ thịt lợn, sau khi đã được tẩm ướp gia vị, thịt được gói trong lá ổi, lá chùm ruột để trong vài ngày có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay. Nem chua miền Trung có vị dịu nhẹ và được ăn kèm tép tỏi để cho tăng hương vị.
Dưa món
Nếu như ngày tết miền Bắc có dưa hành thì miền Trung lại có dưa món. Được kết hợp từ nhiều nguyên liệu khác nhau như củ cải, dưa leo, cà rốt, đu đủ, củ kiệu,…đã tạo nên món ăn ngon không thể cưỡng nổi.

Lát bánh tét dẻo mềm ăn kèm cùng với dưa món giòn giòn, chua thanh đem đến cho người thưởng thức cảm giác lạ miệng khó quên, một hương vị rất riêng trong những ngày Tết.
Tôm chua
Một món ăn nữa không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung chính là tôm chua, đặc sản xứ Huế.
Vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt quyện với vị cay và thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, chát của vả,…Tất cả tạo nên một món ăn có hương vị hấp dẫn khiến bất kỳ ai ăn qua một lần sẽ phải nhớ mãi.
Chả bò

Trong bàn tiệc thiết đãi khách những ngày đầu xuân của người miền Trung thường có khoanh chả bò màu đỏ hồng. Với đủ vị mặn, ngọt, dai, giòn, cay quyện với hương thơm cay nồng đặc trưng của tiêu đen đã khiến cho món ăn này không thể thiếu trong các dịp lễ Tết miền Trung.
Thịt ngâm mắm
Thịt ngâm mắm là cách muối thịt phổ biến nhất ở các tỉnh miền Trung. Nguyên liệu có thể là thịt lợn hoặc thịt bò đều được, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã pha nấu theo tỉ lệ nhất định. Món thịt ngâm này ăn có vị mặn, ngọt và thường ăn kèm với dưa món và rau sống, rau thơm.
Món ăn ngày Tết miền Nam
Cũng giống như miền Bắc và Trung, miền Nam cũng có những món ăn truyền thống đặc biệt không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết. Tiêu biểu là các món như Canh khổ qua nhồi thịt, bánh tét, thịt kho tàu, lạp xưởng, cháo gà và gỏi gà xé phay, dưa món, bánh mứt,…

Bên cạnh các món ăn trên, người dân miền Nam còn thường chuẩn bị thêm các loại giò thủ, thịt nguội, chả lụa, chả giò chiên, tôm khô… để mâm cỗ thêm phần phong phú.
Bánh tét
Cũng giống như miền Trung, món ăn ngày Tết hiện đại hay truyền thống miền Nam vẫn không thể thiếu đi bánh Tét. Món bánh tét ở miền Nam là một món ăn được chế biến vô cùng đa dạng về cả màu sắc lẫn hương vị khác nhau. Với mỗi một loại bánh lại có nguyên liệu và tạo hình với nhiều màu sắc mới lạ.
Bánh tét miền Nam có nhiều loại khác nhau như bánh tét nhân chay hoặc nhân mặn, bánh tét lá cẩm, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc… Sau khi luộc chín, người ta đem bánh Tét ra cắt thành từng lát để thưởng thức cùng củ kiệu chua hoặc dưa món giúp tăng thêm hương vị…
Bánh in
Bên cạnh bánh tét thì bánh in là món bánh không thể thiếu trong dịp Tết miền Trung. Người người nhà nhà sẽ cùng nhau làm bánh in. Để chế biến món bánh này, bạn phải rang bột năng, bột nếp cùng vài chiếc lá dứa hoặc lá cẩm để tạo màu sắc và mùi thơm. Sau đó trộn với nước đường, đổ hỗn hợp vừa trộn vào khuôn và chờ ít nhất 15 phút rồi mới lấy bánh ra. Đặc biệt, trong dịp Tết, bánh in thường được làm dạng hình tròn nhằm mang ý nghĩa cho sự đủ đầy, đoàn viên. Bánh in thường có màu trắng và khá dễ vỡ.
Canh khổ qua nhồi thịt
Theo quan niệm dân gian, ý nghĩa món ăn ngày Tết canh khổ qua thể hiện mong muốn rằng những điều cơ cực của năm cũ sẽ qua đi và cầu cho sự may mắn tốt đẹp hơn sẽ đến vào năm mới.

Ngoài ra, canh khổ qua còn có tác dụng giải nhiệt, thanh mát, đặc biệt phù hợp khi bạn ăn quá nhiều món thịt mỡ ngày tết. Nhiều nhà có cách nhồi nhân khổ qua khác nhau, có thể là nhân thịt bằm hoặc cá xay, mộc nhĩ hay cà rốt.
Thịt kho tàu
Thịt lợn heo ba chỉ, thịt đùi hoặc thịt vai được cắt thành khối vuông, kho cùng trứng vịt tròn mang ý nghĩa âm dương hòa hợp, đầy đủ và đoàn viên. Từ lâu đời, món thịt kho tàu đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong ngày Tết miền Tây và miền Nam.

Canh măng
Canh măng là một món ăn cung cấp nhiều chất xơ cùng vitamin cho cơ thể, trở thành một món ăn ngày Tết miền Nam không thể thiếu. Điểm đặc biệt của món canh măng ở miền Nam là sử dụng măng tươi để nấu thay vì măng khô như ngoài Bắc nên vị rất ngon.
Chả giò

Những món ăn ngày Tết miền Nam không thể thiếu chính là món chả giò. Những miếng chả được gói nhân thơm ngon trong chiếc bánh đa giòn rụm khiến ai cũng phải thích mê.
Nếu ngày Tết bạn cảm thấy dễ ngán vì có nhiều món ăn dầu mỡ thì gia đình bạn có thể chuẩn bị món chả giò bằng nhân hoa quả sẽ giúp chống ngán hiệu quả lắm nha.
Cháo gà và gỏi gà xé phay
Gà luộc là món không thể thiếu đối với những mâm cỗ cúng ngày tết miền Nam để tỏ lòng thành kính. Người ta thường nấu một nồi cháo để lấy nước ngọt từ xương gà, tận dụng thịt gà luộc xé ra để trộn gỏi chua ngọt cùng các loại bắp cải hoặc ngó sen và rau thơm.

Dưa món ăn kèm chống ngán
Có rất nhiều loại dưa món dùng ăn kèm chống ngán được người miền Nam sử dụng trong dịp Tết như dưa hành, cà rốt, dưa bao tử ngâm, rau muống chua… thường được ăn kèm với bánh tét, thịt kho, chả lụa, thậm chí còn dùng trộn gỏi.
Xem thêm >>> Gợi ý những set đồ đi chơi Tết cho nữ phù hợp với mọi phong cách
Lạp xưởng
Lạp xưởng cũng là một trong những món ăn ngày tết miền Nam không thể thiếu. Lạp xưởng phổ biến nhất được làm từ thịt, có 2 loại: lạp xưởng tươi và lạp xưởng khô. Ngoài ra, còn có lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá,… Để thực hiện được món lạp xưởng thơm ngon, bạn có thể đem luộc, chiên hoặc nướng,…
Trên đây là những giới thiệu khái quát về các món ăn đặc trưng ngày Tết của 3 miền Bắc Trung Nam. Qua đó, giúp chúng ta hiểu hơn về nét văn hóa cổ truyền của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam. Tuy có những sự khác biệt nhưng điểm chung của mâm cỗ truyền thống ngày Tết là đều được chuẩn bị đầy đủ, tươm tất và chỉn chu nhất để bày tỏ lòng thành với tổ tiên, ông bà.